Cat world

Chia sẻ kiến thức chăm sóc mèo

Thứ Tư, 18 tháng 1, 2017

Chó lai và những điều nên biết.


Nhìn một chú chó lai và đoán xem bố mẹ chúng thuộc giống gì không mấy dễ dàng. Một chú chó lai thừa hưởng những đặc điểm về di truền của bố mẹ mình. Chỉ nhìn chúng thì rất khó chỉ ra đặc điểm nào thuộc về giống chó nào. Hãy cùng thử nói về một chú chó tên Jack.

·         Bố mẹ của Jack đều là chó thuần chủng và thuộc cùng một giống chó thì Jack là một chú chó thuần chủng. Labrador+ Labrador = Labrador.

·         Bố mẹ của Jack đều là chó thuần chủng và khác giống nhau thì Jack là một chú chó hỗn huyết (crossbreed). Chihuahua+ Minpin= Chihuahua/Minpin.

·         Bố của Jack là chó thuần chủng còn mẹ là chó hỗn huyết hoặc ngược lại thì Jack vẫn là chó hỗn huyết. Hoặc cả bố và mẹ của Jack đều là chó hỗn huyết nhưng cùng từ hai giống chó giống nhau thì Jack vẫn là chó hỗn huyết. Chihuahua+ Chihuahua/Minpin= Chihuahua/Minpin hoặc Chihuaha/Minpin+ Minpin/Chihuahua= Chihuahua/Minpin.

·         Nếu Jack được thừa hưởng từ ba dòng máu trở nên thì Jack là chó lai. Jack mang gen di truyền của nhiều hơn ba giống chó nên không thể đoán trước được Jack sẽ trông ra sao, tính cách như thế nào do nó không hề giống bất kì một chú chó nào khác. Pulldog/Poodle+ Dalmatian/Collie=….

Nếu bạn vừa có một chú chó con thuộc giống lai và muốn biết bố mẹ chúng thuộc những giống gì. Bạn muốn đoán xem chú lớn lên trông ra sao, tính cách thế nào để chuẩn bị trước. Vậy thì rất tiếc chuyện này không hề dễ như bạn nghĩ. Bạn không biết chó con sẽ thừa hưởng gen nào nhiều hơn, sẽ hành xử giống giống chó nào hơn hay thậm chí trông giống giống chó nào hơn. Bất ngờ chờ bạn ở phía trước và bạn phải đợi. Một số chó thuần chủng cũng không hề hành động giống hệt như đặc điểm về giống của chúng mà lại có phần riêng biệt và duy nhất.

Ví dụ như có những chú Rottweller rất thân thiện, Pit Bull yêu thích chó khác, Golden retrever nhát gan hay những chú Chihuahua nặng 5kg hơn là 2kg. Khi những chú chó đặc biệt này có con, khả năng con của chúng giống bố mẹ cao hơn là những chú chó khác cùng giống.

Nếu chú chó con nhà bạn được thừa hưởng những loại gen mâu thuẫn nhau thì bạn không thể biết trước chú sẽ ra sao. Như một chú chó lai từ có các gen của giống Pitbulll hung dữ, Golden Retriever thân thiện, Rottweller lạnh lùng thì chó con như thế nào là điều khó đoán trước.

Những hành vi đặc trưng của giống như giàu năng lượng, tính tự chủ cao, thích đuổi theo vật chuyển động hay sủa nhiều của những giống chó thuần chủng thường giảm xuống mức độ trung bình đối với chó lai. Nhờ thế, chó lai có tính linh hoạt cao, phù hợp với nhiều phong cách, môi trường sống hơn chó thuần chủng. Nhưng nếu bạn muốn một chú chó với những khả năng riêng biệt như săn mồi, chăn gia súc, …thì chó lai không phải lựa chọn của bạn.


Chó lai thường ít gặp vấn đề về sức khỏe hơn. Đa phần chó lai đều có bộ di truyền rất đa dạng. Do bố mẹ chúng có những bộ gen khác nhau nên chúng có một chút đặc điểm này, một chút đặc điểm khác. Những nhà sinh vật học đã chứng minh, sự đa dạng di truyền tốt cho sức khỏe. Một số vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng gây ra do những bộ gen giống nhau.

Chó lai có cấu tạo cơ thể hợp lý và kích thước vừa phải.  Không mang những đặc điểm đặc biệt của giống chó thuần chủng như cơ thể dài quá mức của chó Lạp xưởng, mũi quá ngắn như chó Pug, cơ thể nhỏ quá như chó Chihuahua,…nên chó lai gặp ít vấn đề về sức khỏe hơn.

Nhưng nếu như bạn không may thì có thể gặp phải một chú chó lai thừa hưởng nhiều vấn đề sức khỏe từ bố mẹ mình. Nói một cách đơn giản, cả bố và mẹ đều mắc cùng một bệnh thì con khả năng cao cũng mắc bệnh. Ví dụ như chú chó  của bạn lai từ các giống Cocker Spaniel, Poodle và Pichon thì chú rất dễ mắc phải các bệnh về xương hông, đầu gối, bệnh nhiễm trùng về mắt, tai bởi cả ba giống trên đều có khả năng mắc phải các bệnh này cao.

Nói chung, bạn nên chọn nuôi một chú chó lai khi:
1.       Bạn sẵn sàng cho mọi tính cách, hình dạng của chó khi lớn lên.
2.       Bố mẹ chó lai không gặp phải những vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng nào.

3.       Khả năng chi trả trong tầm của bạn. Chó lai thường có giá rẻ hơn chó thuần chủng. 

Sự thật về những chú chó thuần chủng



Bạn có thể chắc chắn rằng bản thân muốn một chú chó thuần chủng do những điều tốt đẹp bạn được nghe về chúng. Nhưng bạn không biết rằng, chuyện gì cũng có mặt hại của nó.

Nhiều người luôn nghĩ muốn chọn một chú chó thuần chủng thay vì những chú chó lai (mixed breed) hay giống chó hỗn huyết (crossbreed). Nhưng bạn nên suy sét cả mặt lợi và hại về giống chó trước khi thật sự quyết định nhận nuôi.

Lợi ích của chó thuần chủng là bạn có thể hình dung được chú chó con tương lai sẽ ra sao.

Bạn có thể dễ dàng đoán được chú chó của mình sẽ có hình dáng ra sao trước cả khi chúng sinh ra. Khi bạn phối hai chú chó Labrador thuần chủng với nhau, con chúng sinh ra sẽ chẳng có gì khác so với bố mẹ chúng. Tại sao? Vì mỗi giống chó đều có những đặc điểm ngoại hình riêng biệt được quy định từ trong gen. Những đứa con sẽ có màu sắc, kích thước, kiểu lông, thậm chí tai đứng hay tai cụp y như bố mẹ mình.

Những đặc điểm này được truyền lại từ chó bố, mẹ sang con cháu mình và có rất ít thay đổi theo thời gian. Do đó, khi bạn nghe đến tên một giống chó, bạn có thể dễ dàng tìm hiểu ra chúng có những đặc điểm gì, trông ra sao, từ đó chọn được một chú chó phù hợp với bản thân.

Một số hành vi, tính cách của chó cũng được truyền lại trong gen. Nếu bạn muốn một chú chó năng động, nghịch ngợm, bạn có thể chọn một chú có thuộc những giống luôn giàu năng lượng như Béc giê Đức, Border Collies, Poodle cỡ lớn…Hay nếu bạn muốn một chú chó nhỏ đáng yêu, tính cách dễ chịu để nuôi trong căn hộ thì chọn những giống như Chihuahua, Pug, Pomeranian,….Những đặc điểm tính cách của từng giống này thường rất khó thay đổi. Tuy nhiên, nhiều khía cạnh trong tính cách của chó cũng thay đổi do môi trường sống của chúng như cách con người huấn luyện, dạy dỗ từ khi còn nhỏ.  

Có thể đoán được sơ bộ hình dáng, tính cách của chó nghĩa là không còn bất ngờ nào phía trước chờ bạn.

Có một số người chọn nuôi một chú chó thuần chủng mà không hề tính đến những đặc điểm, tính cách của giống chó. Rồi họ phàn nàn vì không thể chịu được chú chó nhà mình. Như bạn muốn nuôi một chú chó Golden Retriever thì nên biết rằng chúng có hai lớp lông, một lớp dài và hay rụng lông. Và chúng cũng cần được chải lông hằng tuần, cắt lông đều và cái đuôi dài của chúng chẳng bao giờ ngừng quẹt vào đồ đạc.

Bởi vậy, trước khi chọn nuôi một giống chó bạn nên suy xét chuyện chúng rụng lông nhiều hay ít, cần được chăm sóc lông ra sao? Bao lâu cắt tỉa một lần? Hay chúng cần được tập luyện như thế nào? Đi bộ bao lần một tuần? Hay mắc các bệnh gì? Rõ ràng có nhiều bạn cần quan tâm hơn là vấn đề chó đẹp hay không đẹp.

Có một số giống chó phát triển những khả năng làm việc và lao động mà bạn không mong muốn. Chó có khả năng chăn cừu, trông gia súc, săn bắt thú lớn hay bắt vịt, chim, đào tìm hang thỏ, chồn,…. Những giống chó có những khả năng thường sở hữu một số đặc điểm như:

·         Giàu năng lượng, có khả năng hoạt động mạnh.
·         Có khả năng tư duy độc lập, muốn làm theo ý mình hơn là làm theo ý bạn.
·         Có ham muốn làm một số việc rất mạnh chứ không chỉ đơn giản đi dạo quanh nhà.
·         Đuổi, chạy, nhảy, bắt, cắn những thứ di động như mèo, động vật nhỏ hay thậm chí xe cộ.
·         Thích đào đất, hít ngửi, sục sạo.
·         Căng thẳng khi có chó khác.
·         Hung dữ trước người lạ.
·         Hay sủa hay thậm chí hú.

Đối với một gia đình bình thường và chỉ mong muốn một thú cưng để nuôi thì bạn nên suy sét kĩ trước khi quyết định chọn một trong số những giống chó có đặc điểm như trên. Và khi đã chọn, hãy học cách sống chung với chúng chứ không phải phàn nàn và tìm mọi cách mắng, phạt để chúng thay đổi.

Một vấn đề khác mà chúng ta cần lưu ý là những chú chó thuần chủng thường gặp nhiều vấn đề về sức khỏe hơn. Một số bệnh có tỉ lệ mắc cao hay thấp thay đổi theo giống chó. Có những bệnh thường gặp như:

·         Bệnh về xương, khớp.
·         Bệnh về mắt
·         Bệnh tim mạch.
·         Các bệnh về tuyến nội tiết như suy giáp, béo phì.
·         Bệnh động kinh.
·         Bệnh da liễu như dị ứng.
·         Rối loạn tiêu hóa như dễ bị tiêu chảy, nôn mửa.
·         Bệnh về gan, thận.
·         Ung thư, bệnh gây tử vong cao ở nhiều giống chó.

Bạn không ngờ rằng chó có thể mắc nhiều bệnh như thế? Nhưng đây là sự thật. Có hơn 300 bệnh di truyền ở chó và  tỉ lệ mắc bệnh ở chó thuần chủng là cao nhất. Như chó mũi ngắn dễ mắc bệnh về đường thở, mắt to dễ mắc bệnh mắt, da nhiều nếp nhăn dễ bị bệnh da liễu.

Nói chung, chó thuần chủng là lựa chọn tốt khi:


1.       Bạn biết rõ mình đang cần gì
2.       Có giống chó đáp ứng mọi yêu cầu của bạn (chuyện này không thường xảy ra).
3.       Bạn có thể chấp nhận hoặc giải quyết được những đặc điểm bạn không muốn ở giống chó bạn chọn.
4.       Bạn có thể chấp nhận và sẵn sàng giải quyết các vấn đề sức khỏe của chó.

5.       Bạn có khả năng chi trả từ chuyện mua chó cho đến cho chúng ăn, chăm sóc da lông,…

Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2017

Mùi cơ thể chó

Ai nuôi chó hẳn cũng quen thuộc với mùi chó. Hay nên nói chó của bạn khi lâu ngày không tắm sẽ có mùi chó. Chuyện này không phải vấn đề với chó nhưng với con người thì mùi này không chấp nhận được. Mùi này có thể ám vào đồ đạc, ghế ngồi, quần áo của bạn và chính bạn. 

Nhưng mùi trên cơ thể chó đến từ đâu hay chưa?

Chó thật ra không đổ mồ hôi như người. Chúng không có mồ hôi chảy xuống dòng dòng như con người. Nhưng chúng có đổ mồ hôi qua bàn chân và có đổ một chút mồ hôi qua lỗ chân lông, tạo ra mùi riêng biệt của từng chú chó. Mặc dù đối với con người, chú chó nào cũng có mùi như nhau nhưng với chó thì không phải vậy.  Cơ thể chó có tạo ra dầu bao phủ khắp cơ thể từ đó giúp da lông khỏe mạnh và cũng đồng thời tạo ra mùi cơ thể riêng biệt. Tai của chó cũng có tuyến mùi hương, tạo ra một loại mùi của đồ lên men khá nhẹ và chấp nhận được khi tắm thường xuyên.

Mùi chó có thể trở nên khó chịu và hôi khi những thứ không mong đợi như vi khuẩn và khuẩn nấm kéo tới hoặc cơ thể chó có vấn đề.  Ví dụ như với một vài chú chó có bộ lông dài hoặc lông ở tai dài và nhiều, chúng có thể bị nhiễm trùng tai. Mức độ khó chịu và nồng của mùi từ tai chó có thể thay đổi do mức độ nặng nhẹ của bệnh nhiễm trùng. Nhưng tất nhiên, mọi chú chó đều có khả năng mắc bệnh nhiễm trùng tai.

Một thứ khác cũng tỏa mùi trên cơ thể chó là túi hậu môn hay tuyến hậu môn.  Một chú chó khỏe mạnh có túi hậu môn tiết ra một lượng nhỏ mùi trong quá trình bài tiết. Chúng có mùi xạ hương mạnh nhưng mỗi chú chó có mùi khác nhau một chút và chó dùng mùi này để phân biệt lẫn nhau. Đây là lí do chó hay ngửi phần cuối đuôi của đối phương.  Đôi lúc, tuyến hậu môn bị tắc nghẽn và không thể tiết mùi ra ngoài. Khi vấn đề xảy ra, tuyến hậu môn sẽ sưng lên và gây đau đớn, chó sẽ cố gắng cắn, liếm hậu môn để thông tuyến hậu môn và gây ra nhiễm trùng. Nếu bạn phát hiện ra vấn đề, hãy cho chó đến bác sĩ thú y để khám và chữa.


Một vấn đề khác có thể gây ra mùi khó chịu ở chó là nhiễm trùng da. Bệnh này thường gặp ở những giống chó có nhiều nếp nhăn như chó Bull. Nhưng đương nhiên mọi giống chó đều có khả năng mắc bệnh. Ban đầu có thể chó bị kích ứng da gây ra do dưới những nếp gấp của da chó quá ẩm và nhiều vi sinh vật hoặc do chó gãi nhiều gây kích ứng da. Cơ thể chó sản xuất nhiều dầu hơn để làm giảm kích ứng da, đặc biệt là khi bạn cố gắng tắm cho chó nhiều lần hơn để tránh mùi thì cơ thể càng sản xuất nhiều dầu hơn.

Nhiễm trùng răng miệng cũng có thể gây mùi hôi, khó chịu, hơi thở xấu. Và cũng như con người, chó cũng bị xì hơi. Nếu bạn phát hiện chó xì hơi nhiều, mùi lạ thì bạn nên mang chúng đến khám bác sĩ hoặc tìm hiểu xem chó đã ăn gì mà khiến chó xì hơi mùi lạ.

Giúp chó thơm tho lại.


Thông thường, chó có chế độ ăn nghèo axit béo, giàu tinh bột như chế độ ăn nhiều ngũ cốc, thức ăn khô sẽ dễ bị khô da. Vấn đề này có thể dễ dàng giải quyết được khi thay đổi chế độ ăn giàu axit béo hơn hoặc dùng thêm đồ bổ sung axit béo. Nếu chó của bạn bị khô da, bạn không nên dùng nhiều sữa tắm và lau, rửa nhẹ nhàng hoặc dùng loại sữa tắm dành riêng cho da khô. Chó bị kích ứng, dị ứng ra thì rắc rối hơn. Bạn có thể sẽ phải đến khám thú y để có thuốc cũng như dùng thêm các sản phẩm hỗ trợ.

Để lau rửa tai chó, bạn nên dùng những thứ bằng cotton nhúng qua dung dịch rửa tai cho chó hoặc hydrogen peroxide và lau nhẹ mặt trong của tai chó. Bạn có thể rửa tai cho chó một tháng một lần nhưng với những chú chó có tai cụp, tai nhiều lông, bạn cần lau rửa thường xuyên hơn. Những chú chó lông tai dài, nhiều lông nên được tỉa lông, chải lông thường xuyên để tránh bị nhiễm khuẩn, bị rận, bọ.


Nếu chó của bạn bị hôi miệng, có mùi khó chịu thì bạn nên đưa chúng tới bác sĩ thú y để kiểm tra xem răng lợi chúng có vấn đề hay không hay cao răng nhiều. Nếu không có vấn đề gì nhưng chó vẫn bị hôi miệng thì bạn chỉ cần đánh răng cho chúng thường xuyên và nhai đồ chơi làm sạch răng.

Những loại sữa tắm cho chó có mùi thơm, nồng có thể khiến bạn thấy thích thú và dễ chịu nhưng lại không hẳn tốt với chó. Những loại sữa tắm đơn giản và nhẹ nhàng cũng như tắm một tháng một lần là đủ. Nếu chó của bạn thích chạy nhảy, lăn lộn ở bên ngoài hay lục lọi đồ đạc,… thì bạn nên tắm cho chúng thường xuyên.  Bình thường bạn có thể dùng những loại phấn khử mùi, sữa tắm khô cùng chải lông để da lông chó sạch sẽ. Cắt móng chân thường xuyên, luôn rửa chân mỗi khi từ bên ngoài về cũng như lau khô lông sau khi tắm cũng giúp chó sạch sẽ hơn. 

Mũi chó

Bên ngoài, mũi của chó trông thật mềm, ướt và đáng yêu. Đồng thời mũi chó cũng là một công cụ tuyệt vời dẫn dắt chó làm mọi việc qua một ngày dài






Mũi chó có khả năng làm việc đa nhiệm tốt hơn nhiều lần mũi của con người. Chúng có hơn ba trăm triệu tế bào khứu giác  trong khi ở người chỉ là sáu triệu. Và phần não bộ phân tích mùi lớn gấn bốn mươi lần so với con người. So với các loài vật khác, chó có khả năng đánh hơi tốt hơn nhiều.

Mũi của chó có hai chức năng chính, ngửi và thở. Mũi của chó có khả năng tách rời không khí thành các bộ phận khác nhau. Một phần không khí sẽ được gửi thẳng tới  các tế bào khứu giác và ở đây, tế bào thần kinh khứu giác phân tích thông tin và gửi về não. Trong khi đó, một phần không khí lại chỉ dùng để thở.


Mũi chó có khả năng hít vào thở ra đồng thời. Khi đánh hơi, mũi chó được thiết kế để không khí có thể ra vào liên tục thành vòng tròn. Ở người, chúng ta chỉ có thể hoặc thở ra hoặc hít vào.

Chó có cơ quan phân tích mùi đặc biệt mà con người không có. Đó là một bộ phận thuộc xương lá mía cấu thành nên vách mũi (vomeronasal organ). Cơ quan này giúp chó đánh hơi được pheromone, chất hóa học động vật tiết ra. Cơ quan này cũng ảnh hưởng rất lớn tới sự động dục và hành vi tâm lý của chó.

Chó có thể ngửi mùi theo dạng 3D. Chó có khả năng ngửi tách biệt từ hai lỗ mũi. Giống như cách đôi mắt con người hoạt động, mỗi mắt lại nhìn thấy những hình ảnh khác biệt nhau và não bộ sẽ tổng hợp thông tin, cho ra một hình ảnh duy nhất dạng 3D.  Mỗi bên mũi chó sẽ gửi những thông tin khác nhau và não bộ tổng hợp lại mọi thông tin từ đó xác định được nguồn mùi ở vị trí nào trong môi trường.

Mũi chó còn giúp chó có khả năng sống sót ngoài môi trường. Chó dùng mũi trong mọi hoạt động của mình từ những ngày đầu tiên sinh ra. Theo sự tiến hóa của loài, mũi chó giúp chúng tìm bạn đời, sinh sản, tìm đồ ăn và tránh né thiên địch.


Chó có thể ngửi tốt hơn con người một trăm ngàn lần. Mũi chúng nhạy cảm đến mức chó có thể ngửi ra một nửa thìa đường trong một bể bơi cỡ Olympic.

Vậy giống chó nào có khả năng đánh hơi tốt nhất?


Mọi giống chó đều có khả năng đánh hơi. Nhưng những giống chó săn có khả năng đánh hơi tốt nhất. Như giống Becgie Đức và Labrador là những giống chó có khả năng đánh hơi tốt nhất. Một số giống chó như Pug bởi cấu tạo mũi có khả năng đánh hơi kém hơn.

Thứ Năm, 12 tháng 1, 2017

Chọn mua đồ ăn cho mèo

Chọn mua đồ ăn cho mèo đôi lúc làm bạn bối rối. Do đó không ít người chỉ mua đúng một loại thức ăn trong cả đời mèo. Nhưng sự thật là,  nhu cầu dinh dưỡng của mèo thay đổi theo từng giai đoạn sống, sức khỏe của chúng và cả mức độ hoạt động của mèo.

Vậy lúc nào nên thay đổi thức ăn cho mèo?

Nếu nói đến dinh dưỡng, có ba giai đoạn quan trọng trong đời mèo mà bạn cần chú ý.  Đầu tiên là lúc mèo còn nhỏ. Trong giai đoạn này mèo con cần nhiều chất dinh dưỡng, đạm và năng lượng hơn các giai đoạn khác. Nếu chúng không được cung cấp đủ dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu phát triển, mèo có thể ốm, suy dinh dưỡng hoặc không phát triển đầy đủ.  Lúc này, bạn nên cho thú cưng ăn những loại thức ăn dành riêng cho mèo con hay thức ăn cho mèo đang phát triển.  Loại thức ăn giàu năng lượng này cũng phù hợp với mèo đang mang thai và đang cho con bú.

Giai đoạn thứ hai là giai đoạn trưởng thành của mèo. Mèo và chó phát hiện béo phì nhiều vào gia đoạn này. Lí do phổ biến là mèo được cho ăn quá nhiều hằng ngày. Ví dụ như một chú mèo trưởng thành nhưng lại ăn thức ăn dành cho mèo con rất dễ bị béo phì. Loại thức ăn có dán nhãn dành cho mọi lứa tuổi cũng có thể cung cấp cho mèo thừa chất béo, dinh dưỡng so với nhu cầu của chúng. Tốt hơn hết, bạn nên cho mèo ăn những loại thức ăn có nhãn dành cho mèo trưởng thành.

Giai đoạn thức ba là giai đoạn mèo già.  Mèo già thường bắt đầu gặp một số vấn đề về sức khỏe do đó cần có chế độ ăn phù hợp. Ví dụ như bác sĩ thú y có thể yêu cầu mèo gặp vấn đề về xương khớp ăn chế độ ăn giàu glucosamine, axit béo DHA hay EPA. Mèo có chế độ ăn hợp lý cũng có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh về gan thận, tim mạch.

Những dấu hiệu báo mèo nên được thay đổi chế độ ăn?

Có những dấu hiệu bạn có thể nhìn thấy bằng mắt thường nói với bạn rằng, chế ăn của mèo hiện tại không còn phù hợp với chúng. Bạn nên biết để đọc ra vấn đề một cách nhanh nhất.

1.       Lông thưa, rụng.
Một chế độ ăn giàu axit béo là chía khóa để mèo có một bộ lông mượt mà, khỏe mạnh.  Có một số loại thức ăn chuyên tập trung làm mượt lông, dày lông cho mèo. Hãy tìm những loại thức ăn giàu Omega 3 và Omega 6 cho mèo có vấn đề về lông.

2.       Lười biếng, yếu bệnh.
Nếu mèo của bạn mới trải qua một ca phẫu thuật, vừa khỏi bệnh thì chuyện mèo mệt mỏi, gầy yếu hơn là dễ hiểu. Chế độ ăn giàu chất chóng oxy hóa có thể giúp tăng hệ miễn dịch và giúp cơ thể mèo nhanh phục hồi. Nhưng hãy nhớ rằng, nếu mèo đột nhiên tỏ ra lười biếng, mệt mỏi thì bạn nên mang chúng đến bác sĩ thú y chứ không phải thay đổi chế độ ăn.

3.       Tuổi già.
Tùy thuộc vào kích cỡ của thú cưng mà có sự quy đổi sang tuổi của người khác nhau. Thông thường thú cưng được coi như bước vào tuổi trung niên vào khoảng 5 đến 7 tuổi.  Cũng như người, mèo bước vào tuổi trung niên cũng thay đổi về nhu cầu dinh dưỡng. Mèo già thường cần ít calo, nhiều chất xơ  và cần một số chất bổ sung cho xương khớp chắc khỏe, chất oxy hóa bổ não. Loại thức ăn dán nhãn cho mọi lứa tuổi không phù hợp lắm với mèo già, dễ gây thừa chất béo và dinh dưỡng.


4.       Thừa cân, béo phì.
Mèo, nhất là mèo bé, bạn dễ dàng nhận ra khi chúng có thêm mỡ thừa trên cơ thể, nhất là ở bụng. Nếu mèo của bạn cần giảm béo thì một chế độ ăn dành cho mèo giảm cân phù hợp với chúng. Mèo cần được ăn vẫn đủ dinh dương nhưng đồng thời cũng giảm lượng calo ăn vào. Hãy cân mèo thường xuyên để đảm bảo chúng không bị thừa cân và kịp thời thay đổi chế độ ăn hợp lý.

5.       Rối loạn tiêu hóa.
Đầy hơi, chướng bụng, đau bụng có thể là những triệu chứng gây ra bởi thức ăn chất lượng thấp. Rối loạn đường tiêu hóa không chỉ gây khó chịu cho thú cưng mà còn ảnh hưởng cả đến chủ nuôi. Bạn có thể mang mèo đến thú y cũng như đổi sang thức ăn cao cấp hơn, tìm loại thức ăn dành cho mèo có hệ tiêu hóa nhạy cảm.

6.       Ngứa ngáy, khó chịu.
Dị ứng khá phổ biến với thú cưng và thức ăn là một trong số lí do gây ra phổ biến. Mèo dễ bị dị ứng nên ăn loại thức ăn dành riêng cho mèo dị ứng. Những loại thức ăn này sẽ giảm hoặc thay thế  các thành phần dễ  gây dị ứng.

Chọn đúng chế độ ăn là một trong số cách đảm bảo mèo có sức khỏe tốt nhưng không thể thay thế việc chữa trị chính quy. Nếu bạn phát hiện mèo gặp phải vấn đề về sức khỏe, hãy mang mèo đi khám thú y sớm nhất.

Có thể bạn quan tâm: Chocolate có hại cho chó

Chế độ ăn và hành vi của mèo





Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của thú cưng. Nhưng bạn có biết dinh dưỡng còn ảnh hưởng tới cả hành vi lẫn tâm trạng của chúng không?


Trừ khi có yêu cầu của bác sĩ, cho thú cưng ăn một bữa lớn một ngày hoặc để thức ăn ngoài cho chúng ăn khi chúng muốn đều không phải biện pháp tốt. Hãy tưởng tượng nếu là bạn, cứ 24 tiếng mới được ăn một bữa hoặc cứ phải ăn cùng một loại đồ ăn cả ngày, bạn sẽ thấy sao? Bạn nên cho thú cưng ăn hai đến ba bữa nhỏ một ngày, như vậy sẽ tốt cho hệ tiêu hóa hơn Bên cạnh đó, tập thể dục sẽ giúp chúng ăn ngon miệng hơn.


Thành phần có trong thức ăn của thú cưng cũng ảnh hưởng tới hành vi của chúng. Hãy xem thử axit béo DHA, loại axit này thường được thêm vào trong đồ ăn của chó, mèo con. Chó, mèo con ăn loại đồ ăn này có khả năng kết hợp cùng chủ, dễ huấn luyện hơn những thú cưng khác. Một số chất chống oxy hóa cũng rất tốt cho não bộ của chó, mèo già. Ví dụ như theo một số nghiên cứu, chó trưởng thành được bổ sung các chất chống oxy hóa trong chế độ ăn có khả năng học tập các hành động phức tạp hơn chó ăn chế độ thông thường. Một nghiên cứu khác lại tìm ra chó ăn chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa giảm nguy cơ mắc các bệnh do lão hóa hơn chó thông thường.

Các vấn đề sức khỏe gây ra bởi một chế độ ăn mất cân bằng có thể ảnh hưởng tới hành vi của thú cưng.  Ví dụ như chó, mèo phải chịu đựng sự khó chịu bởi rối loạn đường tiết niệu  gây ra do chế độ ăn mất cân bằng có thể tỏ ra tức giận, đau đớn. Cơ thể sinh vật gồm nhiều cơ quan phức tạp kết hợp với nhau cùng các phản ứng hóa-sinh liên tiếp xảy ra. Chỉ cần sự thiếu hụt hoặc dư thừa một số chất nhất định cũng gây ra ảnh hưởng không nhỏ. Thực tế, thú cưng cần ít nhất 50 loại dưỡng chất với tỉ lệ hợp lý để cơ thể chúng vận hành tốt.

Nếu thú cưng có những hành vi bất thường, đừng ngại mang chúng đến bác sĩ thú y để tìm ra vấn đề, giải quyết một cách nhanh nhất.


 Có thể bạn quan tâm Mèo không ăn

Thứ Hai, 9 tháng 1, 2017

Tại sao mèo kén ăn ?

Tại sao mèo không ăn đồ ăn bạn cho? Hay phải làm gì khi mèo kén ăn.

Thông thường, mèo sẽ ăn đồ ăn trong bát của chúng không mấy lưỡng lự. Ngược lại, có những chú mèo không tỏ ra hào hứng lắm với đồ ăn của mình. Vấn đề có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi mèo không muốn ăn và bỏ đi. Dưới đây là một số lí do mèo làm vậy cũng như giải pháp giúp bạn phần nào.

Đảm bảo sức khỏe mèo vẫn ổn.

Điều đầu tiên bạn cần kiểm tra là sức khỏe của mèo vẫn tốt hay không. Nếu mèo của bạn vẫn luôn là một kẻ háu ăn, đột nhiên một ngày chúng mất khẩu vị, bỏ ăn, từ chối ăn, thì bạn nên suy sét vấn đề kĩ càng, đặc biệt nếu mèo của bạn thừa cân, béo phì. Mọi chuyện có thể nghiêm trọng hơn nếu mèo giảm cân bất thường, nôn mửa, tiêu chảy và bạn cần đưa mèo đến bác sĩ thú y ngay. Sau khi mọi vấn đề sức khỏe đã được giải quyết, mèo sẽ cảm thấy ngon miệng lại thôi.

Thức ăn cho mèo và những thói quen xấu.

Nếu sức khỏe của mèo vẫn ổn, bạn nên tính đến chuyện mèo có một vài tính xấu. Ví dụ như bạn cho mèo những đồ ăn vặt, đồ ăn thưởng ngon lành hơn đồ ăn thường ngày của mèo, lâu dần chúng sẽ không còn thèm ăn nữa. Hoặc nhiều người trong gia đình bạn cùng cho mèo ăn vặt, nếm đồ ăn của người, điều này thậm chí có thể gây béo phì ở mèo.

Một vài chú mèo sẵn sàng nhịn ăn, ăn ít cho đến khi chúng được thay đổi sang thứ chúng thích. Bạn nên thay đổi ngay và tránh cho mèo ăn nhiều thứ ngoài giờ ăn, ăn đồ ăn không bổ dưỡng đối với mèo. Mèo cần được ăn đủ khẩu phần thức ăn dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe.

Nếu có thể, bạn nên cho mèo ăn nhiều bữa nhỏ trong một ngày thay vì một,, hai bữa ăn lớn. Cho mèo ăn đúng giờ và trong một thời gian nhất định. Nếu mèo không ăn, hãy thu lại đồ ăn và thử lại vào bữa tiếp theo. Nếu mèo vẫn tiếp tục không ăn, hãy chờ đợi, cơn đói sẽ đến và mèo sẽ ăn. Do mèo cuối cùng sẽ học được thứ duy nhất chúng được ăn là đồ ăn trong bát.

Chọn loại thức ăn và cách ăn đúng.

Kiểm tra thức ăn để đảm bảo thức ăn chưa hỏng, vẫn trong hạn sử dụng. Đây có thể là lí do mèo không ăn thức ăn bạn ho. Bạn cũng không nên liên tục thay đổi nhãn hiệu, loại thức ăn do điều này có thể gây hại cho hệ tiêu hóa của mèo và làm giảm khẩu vị. Nếu bạn muốn thử loại thức ăn mới, hãy thay đổi bằng cách trộn hai loại thức ăn cũ và mới vào với nhau, tỉ lệ tăng dần cho đến khi mèo có thể hoàn toàn ăn loại thức ăn mới.

Nếu mèo không chịu ăn đồ ăn khô, bạn có thể thử đồ ăn đóng hộp, đồ ăn ướt. Bạn có thể trộn hai loại đồ ăn khô và ướt vào với nhau để khuyến khích mèo ăn. Thức ăn ướt có thể được làm nóng lại một chút hoặc trộn thêm chút nước ấm, nước dùng vào đồ ăn khô để tăng độ hấp dẫn.

Kiên nhẫn và luôn lạc quan.

Mèo có thể cảm thấy thích khi được bạn quan tâm, lo lắng và cưng nựng khi chúng không ăn. Và đây cũng có thể trở thành lí do khuyến khích chúng làm vậy. Hãy tránh xa mèo khi chúng đang trong giờ ăn, để chúng được yên lặng, không ai làm phiền khi ăn. Sau khi hết giờ ăn, bạn mới tới để lấy bát thức ăn đi. Như vậy mèo sẽ học được cách tập trung ăn và không phải canh chừng, lo lắng khi ăn.